Khi nghĩ về con đường bền vững, Mo đã sớm tìm cho sản phẩm những chất liệu tự nhiên mang đặc trưng bản địa. Bản sắc văn hóa và chế tác thủ công địa phương luôn là một "nguồn vốn" quý của một thương hiệu thời trang nội địa. Nó có thể tạo nên câu chuyện và cá tính riêng cho mỗi thiết kế, lưu giữ giá trị truyền thống, và góp phần tạo kế sinh nhai cho cộng đồng bản địa.
Gai dầu (hemp) là một chất liệu lý tưởng để khám phá và ứng dụng. Từ một hạt giống tưởng chừng rất đơn giản lại mang đến nhiều ý nghĩa sâu sắc cho đời sống của con người. Hemp ở hiện tại giống như ngôi sao đang lên khi được các chuyên gia thế giới đánh giá cao và khuyến cáo sử dụng vì sở hữu nhiều đặc tính ưu việt ở nhiều lĩnh vực vì khả năng ứng dụng Thực tế, từ xa xưa gai dầu tại Việt Nam đã gắn bó mật thiết với người dân tộc vùng núi phía Bắc. Đặc biệt với người H'Mông, gai dầu (hay còn được gọi tên lanh) chính là biểu tượng đặc sắc trong nếp sống và văn hóa riêng, họ tin sợi gai dầu chính là mối kết nối mỗi linh hồn với tổ tiên.
Ở nhiều vùng đất trên thế giới, người nông dân tin họ có thể làm ra tất cả mọi thứ với gai dầu. Không quá cách biệt với niềm tin của người H'Mông, gai dầu đối với một số dân tộc trên thế giới mang ý nghĩa về việc sống có trách nhiệm với thế giới đang hiện hữu. Họ xem lợi ích của gai dầu mang một giá trị đặc biệt như sợi dây liên kết mối quan hệ sống bền vững giữa con người và trái đất và nhắc nhớ con người về sự biết ơn tới mẹ thiên nhiên.
Là một trong những loài cây làm ra sợi vải tự nhiên có tuổi thọ cao nhất hiện nay, kháng khuẩn tốt, chống UV tự nhiên, thoáng khí và thân thiện với làn da, kết cấu chắc chắn, càng mặc càng mềm mại, quần áo từ gai dầu giúp người mặc dễ chịu trong thời tiết nóng bức và điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt. Áo gai dầu cũng che chắn tốt vào giao mùa. Nếu không còn sử dụng được nữa, vật dụng từ gai dầu sẽ trở thành phân bón tốt vì khả năng phân huỷ sinh học tự nhiên.
Trồng gai dầu tác động tích cực đến đất đai, làm sạch môi trường. Cây gai dầu có thể hấp thụ hoá chất và kim loại ra khỏi đất chỉ sau một vài vụ mùa, giúp phục hồi và cải thiện dưỡng chất trong đất. Nó còn chứa tiềm năng hấp thụ carbon, nhằm giảm thiểu lượng khí thải bởi ngành công nghiệp.
Không biết chính xác là bắt đầu từ thời kỳ nào ở Việt Nam, nhưng đã qua bao nhiêu thế hệ, cứ đến mùa nông nhàn các chị các bà dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng... miền núi Hà Giang lại vừa địu con vừa se sợi, vừa đi chợ vừa se sợi, mọi lúc mọi nơi... tranh thủ dệt vài cuộn vải hemp (vải sợi gai dầu) đem ra chợ phiên bán để có thêm tiền mua thức ăn, tiêu Tết...
Công đoạn sơ chế, se sợi và dệt vải là quá trình thủ công đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng và sức kiên nhẫn công phu vô kể. Từ lúc gieo hạt và thu hoạch, phơi khô đến lúc sơ chế sợi, tước vỏ, giã sợi, nối sợi, se sợi thành chỉ. Xử lý làm sạch sợi bằng cách luộc với nước tro bếp. Lăn đá bằng chân cho tới sợi mềm. Sợi thô không đều, vải có độ bóng nhẹ. Đến công đoạn dệt vải lại phải tiếp tục làm sạch bằng cách đem ra suối giặt. Sau khi dệt lại luộc vải với nước tro bếp lần nữa. Sau đó rũ vải bằng nước mát cho sạch tạp chất. Lăn đá lần nữa cho vải mềm. Màu được nhuộm chàm, nhuộm củ nâu, mặc nưa... những nguyên liệu tự nhiên có sẵn trên rừng. Một tấm vải được làm thủ công hoàn toàn từ khâu trồng lanh đến khâu dệt, còn đượm mùi rừng núi.
Về đến Sài Gòn, Mo đã cùng các chị thợ may biến các khúc vải thành những chiếc áo khoác gai dầu (jacket) năng động và phụ kiện thiết yếu có thêu họa tiết sống động, kết hợp cùng các phụ liệu tự nhiên tăng thêm nét sắc sảo và hiện đại để vật dụng và quần áo từ gai dầu trở thành những món đồ thật gần gũi nhưng cũng vô cùng mới mẻ, sành điệu.
Nhìn ngắm những thiết kế thời thượng nhưng mang vẻ đẹp nguyên bản của gai dầu hay độ thấm màu thực vật trên vải từ củ nâu và chàm qua các thiết kế áo khoác gai dầu, Mo tin nàng cũng sẽ có riêng cảm nhận đặc biệt. Nhất là cũng đồng cảm với Mo với mong muốn gắn bó thật lâu với sản phẩm thủ công bền vững để tiếp nối tinh thần truyền thống.